Kinh nghiệm tạo ra thị trường tốt của Xuyên Việt Coop

“Muốn thị trường đón nhận sản phẩm, cần phải đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên, luôn tìm và áp dụng những công nghệ mới vào công tác sản xuất để tối ưu hóa sản xuất, đảm bảo và kiểm soát được chất lượng sản phẩm, chọn lựa đối tác và xác định mục tiêu để xây dựng định hướng thương hiệu cho sản phẩm”, ông Lê Văn Việt, đại diện  Xuyên Việt Coop (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) chia sẻ tại Tọa đàm “Tăng cường liên kết – Phát triển KTHT bền vững” ngày 10/9/2019.

Với sứ mệnh sinh ra là để giải quyết những tồn tại mang tính bức thiết trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản với quy mô hàng hóa, cải thiện được chất lượng, số lượng, giá cả và môi trường, HTX Sản xuất và Thương mại Thủy sản Xuyên Việt (Xuyên Việt Coop) được thành lập từ năm 2011 với vốn điều lệ ban đầu của HTX là 500 triệu đồng. Hiện nay, Xuyên Việt Coop đã tăng vốn điều lệ lên 9 tỷ đồng và có tổng số 52 thành viên, với diện tích trên 136 ha.

Le-Van-Viet-JPG-6868-1568086143.jpg

                                                         Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch Xuyên Việt Coop

 

Xuyên Việt Coop xây dựng các tiêu chí kiểm soát dựa trên các tiêu chuẩn được cấp phép và chứng nhận của các tổ chức trong và ngoài nước như VietGAP, GlobalGAP… Trong quá trình sản xuất, đơn vị luôn tìm tòi, thử nghiệm và áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất.

Việc áp dụng những công nghệ mới, ưu việt hơn cách làm truyền thống đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi giảm thiểu được chi phí sản xuất, tăng năng suất sản phẩm, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tối đa dịch bệnh và những tác động xấu từ môi trường như nắng nóng, giá rét, lũ lụt… Tiêu biểu phải kể đến công nghệ ao nổi năm 2013, công nghệ sông trong ao năm 2016, công nghệ Biofloc năm 2018.

Để sản phẩm được thị trường đón nhận, Xuyên Việt Coop đã chủ động giải quyết từng vấn đề một cách bài bản. Sản phẩm của đơn vị luôn được kiểm soát nghiêm ngặt từ đầu vào, quá trình sản xuất, cho đến đầu ra nên có sự ổn định cao. Các sản phẩm luôn được chú trọng mẫu mã, hình thức phù hợp nhất. Cùng một sản phẩm, nhưng có những phân khúc khác nhau để khách hàng dễ dàng chọn lựa.

Chia sẻ kinh nghiệm đối với các HTX nói chung, ông Việt đề xuất mỗi tỉnh thành lập 1 trung tâm tiêu thụ nông sản của địa phương với quy mô vừa và có thể mở rộng thêm. Mục đích cho tất cả các sản phẩm của HTX có thể trưng bày để xúc tiến thương mại; đồng thời nên có chính sách sát sườn hơn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ xây trụ sở và nhà sơ chế của HTX.

Mỗi tỉnh nên lựa chọn 5 -10 HTX tiêu biểu làm “con chim đầu đàn” để hỗ trợ phát triển. Khi các HTX này phát triển sẽ kéo theo các HTX vệ tinh quy mô nhỏ phát triển hơn. Ngoài ra, việc thành lập một trung tâm tư vấn trình độ cao mời chuyên gia về HTX nông nghiệp để hỗ trợ HTX khi bắt đầu thành lập là điều đáng quan tâm. Đây được xem là giải pháp cứu cánh cho các HTX ở cả 3 miền.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0888.356.778
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon